(GLO)-
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội
(C06, Bộ Công an), tính đến ngày 31-7-2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với cơ sở dữ liệu của 11 bộ,
ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương.
Dịch vụ công thiết yếu được triển khai
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác
thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm
nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
được triển khai kết nối chính thức đối với cơ sở dữ liệu của 11 bộ,
ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Bên cạnh đó, C06 còn
triển khai các giải pháp hỗ trợ 7 tổ chức đoàn thể xây dựng hệ thống dữ
liệu quản lý đoàn viên, hội viên, làm sạch dữ liệu trên nền tảng Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư (Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân
Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế, Hội Phụ nữ Việt Nam).
Việc Bộ Công an triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với
Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động góp phần xác thực dữ liệu người
dùng, nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
Ngoài ra, ngày 10-6-2022, C06 còn thống nhất một số giải pháp triển
khai quản lý người nước ngoài trên VneID làm 2 giai đoạn với các đơn vị:
Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại
giao), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế).
Tiếp đến, ngày 18-7-2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và
xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa
Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc
gia. Đến ngày 31-7-2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ và cấp
7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp căn cước
công dân gắp chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 67
triệu thẻ cho công dân.
 |
Công an TP. Pleiku sẽ tiếp nhận hồ sơ làm CCCD từ 7 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày trong tuần. Ảnh: Văn Ngọc) |
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã nghiên cứu
triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử, như: Sử
dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người
dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (6.996/13.166 cơ sở y tế đã thực
hiện, đạt 53,1%); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân
tại 5 Ngân hàng (BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank, Pvcombank);
thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại TP. Hà Nội và
tỉnh Quảng Ninh. Sau 2 tháng triển khai thí điểm đã có 483 lượt công dân
sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch qua ngân hàng với tổng số
tiền trên 6,1 tỷ đồng.
Nhiều bộ, ngành chủ động trên môi trường điện tử
Theo báo cáo từ Bộ Công an, hiện đã đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực
hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các
dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi
cho người dân và doanh nghiệp. Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành
11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/227
nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó việc cấp
hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã
được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
 |
Người dân đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội-Công an tỉnh (Ảnh: V.N) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai
đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt 93,1%), góp phần
tiết kiệm chi phí rất lớn, đồng thời hiện nay đang tiếp tục triển khai
dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ Đại học, trình độ
Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng dịch vụ công quốc
gia. Bộ Công an đã triển khai thí điểm dịch vụ công tại 3 nhà văn hóa
thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) và đã có 505 tài khoản
đăng ký mới; 1.647 hồ sơ thông báo lưu trú, 23 hồ sơ đăng ký xác nhận số
chứng minh thư và căn cước công dân, 10 hồ sơ đăng ký thường trú, 15 hồ
sơ đăng ký tạm trú được đăng ký tại điểm dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến 2-8-2022, hơn 126 triệu hồ sơ đã đồng bộ trạng thái xử lý trên
cổng dịch vụ công quốc gia. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng dịch
vụ công quốc gia là hơn 4 triệu hồ sơ. Tổng số yêu cầu của công dân
trong dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực cư trú là hơn 1,5 triệu hồ sơ,
trong đó đã được tiếp nhận hơn 1,4 triệu hồ sơ, đã trả kết quả hơn 1,4
triệu hồ sơ (tỷ lệ giải quyết 98,1%).
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Để hoàn thiện Đề án 06, các bộ, ngành đã và đang rà soát đề xuất sửa
đổi, bổ sung nhiều văn bản liên quan. Điển hình như: Văn phòng Chính phủ
chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh
giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục
hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử;
Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 quy định về việc cung cấp
thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi
trường mạng. Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BCA ngày
27/01/2022 quy định danh mục sản phẩm khai thác, sử dụng thông tin trong
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số
48/2022/TT-BTC ngày 3-8-2022 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản
lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư; Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành
liên quan tham mưu xây dựng dự thảo nghị định quy định về định danh và
xác thực điện tử; nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; thông tư hướng dẫn
trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các
hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành,
các bộ, ngành, địa phương…
HUỲNH LÊ (tổng hợp)
Theo https://baogialai.com.vn/channel/744/202208/hieu-qua-tu-chia-se-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-5786499/