(GLO)-
Phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện
Đức Cơ) năm 2024 đã mở ra cơ hội kết nối giao thương, thúc đẩy thương
mại biên giới phát triển giữa Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc
Campuchia).
Đây
là một trong những chương trình nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số
1055/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số
259/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn
đến năm 2030.
Kết nối giao thương
Phiên chợ
do Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Đức Cơ và Sở Thương mại tỉnh
Ratanakiri tổ chức. Diễn ra từ ngày 25 đến 27-10 tại Khu Kinh tế Cửa
khẩu Quốc tế Lệ Thanh, phiên chợ có quy mô 60 gian hàng, trong đó có các
gian hàng trưng bày sản phẩm hàng hóa xuất xứ Việt Nam, sản phẩm đặc
trưng, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, hàng ẩm thực và các sản phẩm của tỉnh Ratanakiri.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại phiên chợ biên giới. Ảnh: Vũ Thảo
Tham
gia phiên chợ, cơ sở hạt điều rang muối Thuận Thành Phát (huyện Đức Cơ)
mang đến nhiều sản phẩm hạt và bánh dinh dưỡng, trong đó có 3 sản phẩm
OCOP 3 sao gồm: hạt điều rang muối, bánh đồng tiền mix hạt, bánh thuyền.
Ông
Nguyễn Đình Thành-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Sản phẩm của cơ sở được chế biến
từ các loại hạt sẵn có tại địa phương. Đây là cơ hội tốt để quảng bá,
giới thiệu sản phẩm, nhất là được tiếp cận khách hàng tiềm năng của
Campuchia”. Theo ông Thành, khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cơ sở
có thể nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, từ đó có định hướng xây dựng và phát
triển sản phẩm ngày một tốt hơn.
3 năm qua, cơ sở
nhung hươu Huy Thuận (huyện Chư Prông) đều tham gia phiên chợ biên giới.
Bà Vũ Thị Hòa-Chủ cơ sở-cho hay: Hiện cơ sở có các sản phẩm như cao
nhung, nhung tươi thái lát ngâm mật ong, nhung sấy khô, nhung tán bột
nguyên chất, nhung tán bột ngâm mật ong, rượu sâm nhung hươu… Các sản
phẩm có tác dụng bồi bổ sức khỏe được người tiêu dùng tìm mua rất nhiều,
những khách đã sử dụng sản phẩm của cơ sở hầu hết đều trở lại tìm mua.
“Tại
các phiên chợ trước, cơ sở được đón đoàn khách hàng là doanh nghiệp của
Campuchia đến trang trại tham quan, tìm hiểu về quy trình nuôi và đã
mua con giống. Vì vậy, tôi hy vọng tại đây sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều
khách hàng hơn nữa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng của địa
phương mình”-bà Hòa kỳ vọng.
Qua
3 ngày diễn ra phiên chợ, rất đông người dân, du khách đến tìm hiểu
thông tin về các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, thực phẩm chế biến của
Gia Lai và của Ratanakiri. Đây là dịp để người dân khu vực biên giới 2
nước được mua sắm hàng hóa có chất lượng tốt.
Ông
Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phấn khởi nói: “Bà con các xã
lân cận cũng như cư dân bên kia biên giới rất vui khi có phiên chợ, bởi
nơi đây bày bán khá đa dạng sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: yến sào,
mắc ca, hạt điều, bò khô, cà phê, trà, tinh dầu, sản phẩm từ dược liệu,
rượu cần, củ, quả…
Phía gian hàng của Campuchia thì có
một số mặt hàng tiêu dùng như: dầu gió, dầu gội, đồ thổ cẩm… Đây là dịp
để người dân khu vực 2 bên biên giới tiếp cận các sản phẩm chất lượng
tốt, giá cả phải chăng”.
Tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới
Bà
Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Thời gian
qua, tình hình thương mại biên giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri
đạt một số kết quả khả quan. Kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc
tế Lệ Thanh tăng trưởng ổn định.
Phiên chợ là dịp để người dân khu vực biên giới 2 nước Việt Nam-Campuchia tham quan, mua sắm. Ảnh: V.T
Riêng
trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu qua biên giới
tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Hạ tầng thương mại biên giới được quan
tâm đầu tư. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Hoạt động vận
tải hành khách, vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Tuy
nhiên, hoạt động thương mại biên giới vẫn còn những hạn chế nhất định,
hàng hóa xuất-nhập khẩu chưa phong phú, hoạt động thương mại tại các chợ
xã biên giới còn nhỏ lẻ, chưa sôi động.
“Từ
thực trạng đó, việc tổ chức phiên chợ biên giới càng được quan tâm,
được xem là nhiệm vụ thường niên với mục tiêu hỗ trợ thương nhân tăng
cường hoạt động mua bán, xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, khuyến khích
đầu tư hạ tầng thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc
tế Oyadav (Vương quốc Campuchia), góp phần phát triển kinh tế-xã hội
khu vực biên giới.
Phiên chợ lần này đã đem đến cho các
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cơ hội giao thương, quảng bá
sản phẩm hiệu quả. Đây cũng là dịp để người dân, du khách tham quan, mua
sắm, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết hữu
nghị giữa Nhân dân và chính quyền 2 bên biên giới tỉnh Gia Lai và tỉnh
Ratanakiri”-bà Nguyệt cho biết.
Đại diện phía Campuchia
cũng khẳng định phiên chợ là sự kiện nhằm tăng cường hợp tác giao lưu
kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và Ratanakiri.
Bà Moeu Malaiy-Phó Giám đốc Sở Thương mại Ratanakiri-cho hay: Hàng năm,
Gia Lai và Ratanakiri đều tổ chức phiên chợ biên giới để tăng cường hợp
tác, xúc tiến thương mại và xuất-nhập khẩu hàng hóa. Đây là cơ hội để
cho người dân 2 bên biên giới trao đổi hàng hóa theo chủ trương của
Chính phủ về một biên giới hòa bình, hợp tác để phát triển.
“Ratanakiri
là tỉnh thuần nông, hàng hóa chủ yếu là mì, điều, cao su… nên cũng rất
mong tiếp tục được xuất khẩu qua Việt Nam. Phía Campuchia có chủ trương,
chính sách phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực thương mại qua việc
thúc đẩy sản xuất hàng hóa và hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông
qua việc tổ chức các hội chợ. Tôi cũng hy vọng sẽ được mời các doanh
nghiệp của Việt Nam sang tham dự các chương trình hội chợ tại
Campuchia”-bà Moeu Malaiy bày tỏ.
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia trưng bày ở gian hàng chung tại phiên chợ. Ảnh: V.T
Trong
3 ngày diễn ra, phiên chợ biên giới đã thu hút khoảng 1.400 lượt khách
tham quan, mua sắm. Do ảnh hưởng mưa bão nên lượng khách tham quan hạn
chế, doanh số bán hàng chỉ đạt 275 triệu đồng.
Gia
Lai có chung đường biên giới hơn 80 km với tỉnh Ratanakiri. Thực hiện
Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 9-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính
phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc
Campuchia, Gia Lai đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Theo
đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát danh mục hạ
tầng thương mại biên giới (chợ biên giới, trung tâm thương mại, siêu
thị, cửa hàng tiện lợi); các dịch vụ hỗ trợ (kho bãi, giao nhận, vận
chuyển, chế biến, bảo quản hàng hóa…). Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến
khích đầu tư các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh của
Campuchia phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh
trở thành điểm trao đổi hàng hóa có quy mô, thu hút thương nhân các
tỉnh biên giới. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực, các
trạm kiểm soát biên phòng phù hợp với quy hoạch cửa khẩu biên giới đất
liền của Trung ương và Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050.
Tổ chức và tham gia các hoạt động
xúc tiến thương mại và đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh biên giới
Campuchia. Hỗ trợ thương nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức giới thiệu,
quảng bá và phân phối hàng hóa tại chợ biên giới, trung tâm thương mại,
hội chợ, triển lãm tại 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Hàng năm, tổ chức
phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm giới
thiệu, quảng bá, mua bán sản phẩm hàng hóa của 2 nước Việt
Nam-Campuchia…
Theo nguồn https://baogialai.com.vn/phien-cho-bien-gioi-gia-lai-va-ratanakiri-ket-noi-giao-thuong-thuc-day-thuong-mai-phat-trien-post298610.html